Cứ vào dịp cuối năm học, cả nhà lại bàn luận về chuyến đi du lịch mùa hè. Đi biển hay đi rừng, xe riêng hay máy bay, xe đò, đi ngắn ngày hay dài ngày.
Năm nay cũng vậy, đầu tháng 5, bọn nhỏ đang thi thì chủ đề quen thuộc lại được bàn luận. Bàn trong giờ ăn ở nhà, bàn ở cơ quan của mẹ, bàn trong bàn nhậu của bố. Cuối cùng thì cũng đi đến thống nhất, năm nay gia đình tôi và gia đình cậu em sẽ đi Phan Thiết, phương tiện lựa chọn là tàu hoả. Khởi hành cuối tháng 5, khi bọn trẻ đã được nghỉ hè, bố mẹ cắt phép và lên đường.
Thành phần gồm 4 người lớn, 1 bé lớp 10, 2 bé lớp 8 và 1 bé lớp 5. Phương tiện di chuyển sẽ là tàu hoả du lịch Sài Gòn – Phan Thiết. Ngoài đồ dùng cá nhân cho đi biển, chúng tôi còn mang theo 3 xe máy để chủ động phương tiện để lang thang, khám phá vùng đất Bình Thuận.
Tôi mua vé qua Tổng đài đặt vé tàu hỏa 1900 636 212, chuyến tàu SPT2, khởi hành từ ga Sài Gòn 6h40’, đến Phan Thiết 10h30’. 5h chúng tôi có mặt tại sân ga, làm thủ tục gửi xe máy, xong lên tàu.
Chỗ ngồi là 2 dãy ghế của toa số 4 với 48 chỗ ngồi rộng rãi, sạch đẹp. 4 ghế quay mặt vào nhau và có cái bàn nhỏ ở giữa nên rất thuận tiện. Nhà vệ sinh được nhà tàu lau chùi sạch sẽ, nước dội, vòi xịt, giấy vệ sinh, lavabo đầy đủ. Vợ và mấy đứa nhỏ có thể thoải mái sử dụng mà không phải nín nhịn vì sợ dơ bẩn.
Tàu SPT2 có 3 toa giường nằm và 4 toa ngồi mềm, tất cả đều có máy điều hoà. Ngoài ra trên tàu còn có toa dịch vụ ăn uống và toa hành lý, đồ ăn ở có thực đơn tương đối đa dạng, giá cả phù hợp.
Đúng giờ, tàu kéo một hồi còi và bắt đầu khởi hành, rời sân ga.
Ngồi trên tàu, nhìn mọi người vội vã đi làm vào buổi sáng, tôi thấy người thư thái, nhẹ nhõm. Cảm giác như những dòng người hối hả kia đều là người thân của mình. Mấy đứa nhỏ hứng khởi chạy đi chạy lại trên tàu, xuống toa dịch vụ ăn sáng. Tôi và cậu em nhâm nhi ly cafe và miếng bánh quy và nhìn dòng người ngược xuôi. Cafe trên tàu tuy không ngon bằng cafe tôi thường uống ở quán gần nhà nhưng cũng tạm được.
Tàu đi vào địa phận Đồng Nai, những vườn cây xanh ngắt, trải dài dọc hai bên cứ vút qua. Tôi ngồi lặng im ngắm nhìn làng quê trù phú và yên bình, hồi tưởng về tuổi thơ với những cánh đồng trải dài, những ngọn đồi xanh ngát, hồ nước mát trong xanh và những trò chơi con trẻ thôn quê. Vợ tôi và cô em dâu thì lên kế hoạch ăn uống, tắm biển, các địa điểm ghé thăm. Thỉnh thoảng, bọn trẻ lại tham gia, góp ý cho kế hoạch của 2 bà mẹ, kế hoạch cứ thế thay đổi liên tục.
Tàu bắt đầu vào đất Bình Thuận với những dãy núi thấp, cây mọc lưa thưa. Tuy đã bắt đầu vào mùa mưa nhưng vùng Bình Thuận lượng mưa hàng năm rất thấp. Làng quê 2 bên chủ yếu là người Chăm và Ra Glai đượm buồn và thưa thớt. Hy vọng rằng với tuyến đường 1 được nâng cấp, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thông xe sẽ giúp kinh tế nơi đây phát triển.
Tới khu vực Hàm Thuận Nam, những cánh đồng trồng Thanh Long trải dài, trĩu quả. Thanh Long bắt đầu vào mùa thu hoạch chính trong năm. Đây là thủ phủ Thanh Long của Bình Thuận, giúp làm thay đời sống ở nơi đây.
Tàu gần tới Phan Thiết, mọi người chuẩn bị xuống ga. Đúng giờ, tàu vào ga, chúng tôi xuống ga và tới ga hành lý nhận xe máy. Mọi việc nhanh gọn và thuận tiện, tuy là ga nhỏ trên tuyến Bắc Nam nhưng ga Phan Thiết quy cũ và sạch sẽ.
Địa điểm tiếp theo của chúng tôi là một resort ở Mũi Né, cách ga Phan Thiết khoảng 15km. Chúng tôi đi xe máy và thuê thêm 1 xe taxi (chủ yếu để chở hành lý). Resort chúng tôi ở gần bờ biển, phòng rộng rãi, tinh tươm, có cửa sổ nhìn ra biển. Đặc biệt ở đây có hồ bơi tràn sát biển, nhà hàng với thực đơn rất đa dạng, nhất là các món hải sản làm cho bọn trẻ rất háo hức. Nhận phòng xong, khi bố mẹ đang sắp xếp thì đã thấy mấy đứa trẻ chơi đùa ở hồ bơi. Khởi đầu cho một kỳ nghỉ hè vui vẻ và thoải mái.
Kỳ nghỉ 1 tuần tại Phan Thiết, ngoài nghỉ ngơi, tắm biển, thưởng thức các món ăn hấp dẫn, chúng tôi còn đi thăm thú nhiều nơi ở vùng đất này, như:
Ghé thăm Tháp Chàm Poshanư, một nhóm di tích của Vương quốc Chăm Pa xưa. Đây được xem như dấu tích lịch sử và dấu chân của người Chăm Pa trên mảnh đất Bình Thuận. Cụm tháp Poshanư được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ VIII để thờ thần Shiva. Là cụm di tích lịch sử nổi tiếng, phong cách kiến trúc Hòa Lai với nền văn hóa lâu đời.
Tháp tuy không lớn, nhưng thể hiện những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa, tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí.
Thăm Trường Dục Thanh, ngôi trường do các sĩ phu yêu nước sáng lập vào năm 1907. Nơi ghi dấu quãng thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân dạy học trước khi vào Sài Gòn. Tại đây còn giữ gần như nguyên vẹn những kỷ vật Bác Hồ từng dùng cách đây hơn thế kỷ.
Chúng tôi ghé thăm lầu Ông Hoàng, một địa danh gắn với tên tuổi nhà thơ Hàn Mạc Tử. Nơi đây từng là nơi hẹn hò và ngắm trăng của Hàn Mạc Tử với người tình là Mộng Cầm. Tuy nhiên, nơi đây giờ chỉ là một tàn tích hang vắng, sát bờ biển, không còn dấu tích xưa. Tới nơi chụp vài kiểu ảnh rồi đi vì bọn trẻ không hứng thú với nơi này.
Công viên giải trí ven biển Circus Land, điểm đến thú vị nhất trong chuyến đi của bọn trẻ. Circus Land là công viên giải trí ven biển kiểu Mỹ với những trò chơi thử thách, tạo cảm giác mạnh, đầy tính phiêu lưu mạo hiểm. Đây cũng là nơi có nhiều không gian đầy màu sắc, độc đáo, những góc check-in sống ảo mới lạ cho 2 bà vợ của chúng tôi.
Trượt cát ở Đồi Cát Bay cũng là một dấu ấn không quên của chúng tôi. Đến đây, tất cả chúng tôi vui chơi, trượt cát và quên đi tuổi tác, những vướng của cuộc sống. Hòa cùng thiên nhiên, với đám trẻ, giúp cho khoảng cách giữa các thế hệ gần nhau hơn.
Khung cảnh ở đây giống như sa mạc, thay đổi liên tục về màu sắc và hình dáng của đồi cát.
Thế rồi chuyến đi cũng kết thúc, buổi sáng, sau khi ăn sáng xong, chúng tôi trả phòng, ghé chợ Phan Thiết mua một số đặc sản làm quà. Chợ nằm bên sông Cà Ty, ngay trung tâm thành phố, bán rất nhiều hải sản Phan Thiết với giá rẻ không ngờ, thưởng thức đặc sản địa phương.
Chợ là nơi tập trung lượng hải sản tươi lớn nhất thành phố, đặc biệt là mực. Mực ở đây rất đa dạng, không chỉ tươi ngon mà dai ngọt hơn mực ở những vùng biển khác. Ngoài ra chợ còn có hải sản khô và hải sản đông lạnh. Ở đây cũng có nhiều quán ăn bình dân bán đặc sản Bình Thuận như: bánh căn, bánh ướt, bánh canh, bún cá, bún riêu, chả cá, …
Tàu SPT1 khởi hành từ ga Phan Thiết lúc 13h và tới ga cuối Sài Gòn lúc 17h. Kết thúc một kỳ nghỉ đầu hè đáng nhớ. Vùng đất Bình Thuận còn rất nhiều bãi biển đẹp, nhất định chúng tôi sẽ trở lại trong một kỳ nghỉ gần đây. Và phương tiện di chuyển cũng vẫn sẽ là Tàu Hoả.